Vốn là một cô gái nhút nhát, sống khép kín nhưng so với các anh chị em trong gia đình thì chị Báo Thị Trang (44 tuổi) tại thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận là người may mắn nhất nhà.
Đoàn chúng tôi khởi hành lúc 6h45 ngày 22/11/2020 tại Trung tâm văn hóa tỉnh Ninh Thuận, hoàn cảnh mà chúng tôi sắp ghé thăm là một hộ nghèo có 13 nhân khẩu mà hơn một nửa trong số đó là những người khuyết tất, già yếu.

Vùng đất Ninh Thuận vốn cằn cõi, ngày nắng nhiều hơn ngày mưa, thảo nguyên nhiều hơn đồng ruộng, không khí khô khốc, nắng nóng hạn hán kéo dài. Nhưng dù thiên nhiên có khắc nghiệt đến nhường nào thì cũng không bằng những phận người đau thương đang chen chúc trong căn chòi chưa đầy 20m2 dựng tạm dưới chân núi. Gia đình chị Báo Thị Trang có 8 anh chị em thì đã có 5 người bị câm điếc bẩm sinh, có anh chị khù khờ và tâm trí không ổn định. Ngược dòng thời gian, khi thấy đàn con khờ khạo, gia cảnh lại nghèo khó nên cha mẹ chị Trang chuyển vào sinh sống tại làng Quán Thẻ, xin chăn cừu thuê cho một trang trại gần chân núi.
Đầu đông, từng cơn gió đông bắc về làm những tấm liếp che căn chòi bay phần phật, căn chòi mỏng manh nay lại còn lạnh lẽo hơn. May mắn hơn các anh chị, chị Báo Thị Trang sinh ra là một đứa trẻ bình thường nhưng do gia cảnh khó khăn, tính lại nhút nhát, sống khép kín, chị cũng không được học hành đầy đủ nên khi lớn lên, lập gia đình thì chị và chồng cũng tiếp tục chăn cừu thuê. Hoàn cảnh lại càng éo le hơn khi mà 2 trong số 5 anh chị bị khuyết tật sinh thêm 2 đứa cháu, cộng với gia đình nhỏ 4 người của chị Trang và ba mẹ già hơn 70 tuổi, tổng cộng có 13 người.
VƯỢT LÊN SỐ PHẬN
Với đồng lương ít ỏi, chỉ 12 triệu /năm của vợ chồng chị Trang – anh Vương cuộc sống của đại gia đình này khó khăn lại chồng chất khó khăn. Mặc dù các thành viên trong gia đình chị vẫn cố gắng vươn lên trong cuộc sống bằng các công việc như giúp việc nhà, chăn cừu thuê, “thợ đụng” nhưng kinh tế gia đình vẫn không thể nào ổn định được. Mặc dù vậy, vợ chồng chị Trang vẫn quyết tâm và cố gắng nuôi 2 cháu và các con được đến trường. Mặc dù các trang trại nuôi cừu thường nằm sâu trong chân núi, muốn đến trường phải đi một đoạn đường rất xa nhưng các con và cháu của chị vẫn bền bỉ và cố gắng học tập.

Bản thân mình do nghèo khổ mà không biết chữ, chẳng dám đi đâu hay giao tiếp với ai, chỉ loanh quanh bên chòi rẫy nơi chân núi vì vậy dù có khó khăn đến đâu thì vợ chồng tôi vẫn cố gắng chịu khổ thêm chút nữa, kham khổ hơn chút nữa để nuôi con cháu nên người, nuôi tụi nó được học hành cho bằng bạn bằng bè. Và tương lai của chúng sẽ không phải là đồng cỏ với đá núi khô khốc, ít ra thì chúng cũng có khát vọng đổi đời”. Ước mơ là vậy nhưng thực tế lại quá phũ phàng, đêm nay nằm xuống thì ngày mai thức dậy hiện thực cũng không thể thay đổi được vì họ đã gồng gánh quá nhiều. Dù cho có cố gắng đến đâu thì cái nghèo, cái khổ vẫn bám lấy họ như thể số phận đã an bài. Hơn 20 năm lấy nhau, vợ chồng chị Trang vẫn chưa thể có được cho mình, cho đại gia đình của mình một nơi trú nắng, trú mưa. Hoặc nói đúng hơn, là cả gia đình 13 người chẳng có nơi nào được gọi là nhà đúng nghĩa. Nhiều đêm, chị chẳng dám trở mình vì nhà quá đông người mà căn chòi thì ộp ẹp, chật chội quá thể. Thương cha mẹ già yếu, thương anh chị em khuyết tật lại càng thương 4 đứa con và cháu, nhiều đêm chị khóc mà không dám nấc lên vì sợ cả nhà sẽ nghe được. Cảnh nghèo dai dẳng kéo dài từ năm này sang năm khác, từ đầu xuân cho đến cuối đông, từ khi con còn trong bụng mẹ đến khi con vào cấp 3. Nhưng cho dù cái nghèo có đeo bám họ dài hơn, lâu hơn chăng nữa thì khát vọng sống, khát vọng vươn lên vẫn luôn âm ỉ cháy trong họ. Chỉ cần mặt trời còn nắng thì vợ chồng chị Trang vẫn tiếp tục cố gắng thoát nghèo.
Để chia sẻ, đồng hành cùng gia đình chị vượt lên khó khăn, chúng tôi tình nguyện tiếp sức để đại gia đình này có được một cuộc sống tốt hơn, đủ đầy hơn. Đi qua nhiều nơi, gặp nhiều người; cảm được cái cảnh khổ chồng chất của bà con mình thì chúng tôi lại càng muốn được gắn bó với họ nhiều hơn. Sự tiếp sức của chúng tôi ngày hôm nay sẽ cùng với vợ chồng chị Trang nuôi dạy những mầm xanh đất nước. Những đứa trẻ này sẽ được học tập đầy đủ, nơi mà chúng đến sẽ không phải là đồng cỏ và đàn cừu mà là giảng đường, là chân trời kiến thức. Các em sẽ biết rằng, cuộc sống dù còn vô vàn những khó khăn trước mắt nhưng bên cạnh các em vẫn có những người đồng hành, giúp các em vượt lên số phận và tự nắm lấy tương lai của chính mình
Điều mà chúng tôi hằng mong mỏi là mai đây, khi gia đình chị Trang đã ổn định và các em đã thành tài; các em sẽ tiếp tục giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác. Yêu thương tiếp nối yêu thương, để cuộc đời này sẽ là những đóa hoa nghị lực, nhân văn.